Cá Koi là loại cá chép dễ thích nghi với môi trường sống mới. Tuy nhiên chúng khá kén chọn môi trường nước và ưa sạch sẽ. Koi rất dễ mắc các bệnh ký sinh trùng, nấm nếu chất lượng nước kém, không đảm bảo vệ sinh. Bài viết dưới đâyVIKOI tổng hợp 10 bệnh thường gặp ở cá Koi và cách điều trị hiệu quả giúp cá mau khỏe và phát triển tốt.

1. Bệnh thường gặp ở cá Koi – Trùng mỏ neo

Trùng mỏ neo là bệnh thường gặp ở cá Koi do ký sinh trùng có tên Lernaea gây ra. Loại ký sinh trùng này có hình dáng như chiếc mỏ neo cắm chặt vào các vị trí như da, mang, đuôi, vây, mắt, miệng…của cá Koi.

Nguyên nhân gây bệnh

Ký sinh trùng Lernaea (Anchor Worm) gây ra bệnh này cho cá Koi. Chúng ký sinh trên mang cá, đến khi trưởng thành thì con đực giao phối với con cái rồi chết. Còn con cái tiếp tục ký sinh và đẻ trứng rơi xuống nước, sinh sôi nhanh rồi lây bệnh cho cả đàn cá. Trùng mỏ neo hút máu và chất dinh dưỡng của cá Koi khiến cá gầy yếu, cơ thể bị tổn thương tạo thành vết thương trên cơ thể và lâu ngày dẫn tới chết.

Cá bị ngứa mình có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết
Trùng mỏ neo bám chặt trên da cá Koi và hút máu

Triệu chứng bệnh trùng mỏ neo

  • Cá Koi cạ mình vào thành bể hoặc các vật dụng trong bể vì ngứa ngáy, thậm chí chảy máu, trầy xước da.
  • Bơi chậm, kém ăn, cơ thể gầy yếu.
  • Vết thương tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh khác.
  • Nếu trùng mỏ neo ký sinh ở miệng sẽ làm miệng cá sưng, khó ăn, bỏ ăn.

Cách điều trị trùng mỏ neo ở cá Koi

Cách 1: Gắp trùng mỏ neo bằng tay

  • Cách lý riêng cá bị bệnh, gây mê cá, dùng nhíp gắp hết trùng bám trên cơ thể cá.
  • Hồi sức, dưỡng cá Koi trong nước muối liều lượng 300g/100l trong 1 tuần.
  • Tăng nhiệt độ nước lên 32 độ C để diệt trứng trùng mỏ neo còn sót lại.
  • Khử trùng toàn bộ hồ cá, hệ thống lọc…bằng nước muối liều lượng 300g/100l trong 7 ngày.

Cách 2: Trị trùng mỏ neo bằng thuốc Dimilin

  • Ngày 1: Sử dụng 1g Dimilin/1m3 đánh liều đầu tiên. Sau đó để 1 ngày
  • Ngày thứ 3: Thay 20% nước, đánh liều thuốc Dimilin thứ 2 liều giống liều 1.
  • Ngày thứ 7: Để thuốc đến ngày thứ 7 thì thay 20% nước, đánh liều thứ 3 liều lượng như ban đầu.
  • Ngày thứ 9: Thay 20% nước, đánh liều thuốc thứ 4. Sau đó để 3 ngày.
  • Ngày thứ 12, 13, 14: Thay nước hàng ngày, mỗi lần thay 20% nước.
  • Ngày thứ 15: Cho cá Koi ăn ít thức ăn.

Để điều trị tận gốc trùng mỏ neo và tiêu diệt trứng của chúng trong nước thì cần theo dõi và đánh thuốc trong 14 ngày.

2. Bệnh rận nước ở cá Koi

Rận nước là một trong những bệnh thường gặp ở cá Koi do ký sinh trùng gây ra. Chúng ký sinh trên cá Koi, hút máu và chất dinh dưỡng rồi truyền vi khuẩn và virus gây nhiễm trùng. Điểm đặc biệt của rận nước là sau khi ký sinh trùng sẽ truyền chất thu hút những con rận nước khác đến.

Rận nước ký sinh trên cá Koi như những nốt ruồi có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường
Rận nước ký sinh trên cá Koi như những nốt ruồi có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường

Nguyên nhân gây bệnh

Rận nước là ký sinh trùng hình tròn, chúng tấn công chủ yếu vào vây, mang và thân cá Koi bằng cách dùng miệng chọc thủng và bám vào. Dưới đây là 3 nguyên nhân chính gây ra bệnh rận nước ở cá Koi:

  • Hồ nuôi cá Koi bị ô nhiễm nặng
  • Lây từ cá Koi mới thả vào hồ mà không cách ly đúng tiêu chuẩn.
  • Thức ăn không đảm bảo như thức ăn sống không nấu chín, nguồn thức ăn không sạch hoặc rửa bằng nước có chứa rận.

Dấu hiệu Koi bị rận nước

  • Trên thân, mang và vây cá Koi có đốm màu nâu đen như nốt ruồi. Dễ dàng quan sát bằng mắt thường.
  • Cá Koi ngứa mình, cạ mình.
  • Hình thành vết loét to hoặc nhỏ vì số lượng rận tấn công. Vết loét lớn dần gây nhiễm trùng nếu không điều trị sớm.
  • Bơi lảo đảo, chậm chạp.
  • Kém ăn, bỏ ăn, trơ đầu nếu bị rận bám lâu ngày.

Cách điều trị rận nước

Cách 1: Sử dụng keo ong

  • Cách ly cá bị bệnh, dùng nhíp gắp hết rận ra khỏi cá.
  • Xịt keo ong vào chỗ rận bám để khử trùng, diệt khuẩn, ngăn nhiễm trùng lây lan. Thực hiện liên tục 5-7 ngày.

Cách 2: Sử dụng thuốc Dimilin

  • Thay 20% nước.
  • Đánh 2 liều thuốc cách nhau 3 ngày, mỗi lần đánh với liều lượng 1g/1m3.
  • Bôi thuốc tím, tetracycline, povidine, iodine…để sát trùng các vùng bị tổn thương. Thực hiện liên tục 5-7 ngày.

3. Bệnh thường gặp ở cá Koi – Sán da và sán mang

Sán da trú ngụ trên toàn bộ phần da cá Koi còn sán mang thì chỉ ở phần mang cá. Sán da và sán mang ký sinh ở 2 vị trí khác nhau nhưng nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tương đối giống nhau.

Cá Koi bị nhiễm sán gây lở loét
                                                 Cá Koi bị nhiễm sán gây lở loét

Nguyên nhân gây bệnh

  • Hồ nuôi kém chất lượng, nguồn nước ô nhiễm, hệ thống lọc kém.
  • Nồng độ chất hữu cơ quá cao, hàm lượng oxy không đạt.
  • Mật độ thả cá quá dày.

Triệu chứng bệnh

  • Cá bị ngứa ngáy, cạ mình nhằm rũ bỏ sán ra khỏi cơ thể. Thậm chí co giật hoặc nhảy khỏi mặt nước do ngứa.
  • Dáng bơi siêu vẹo, lạng lách, không thẳng.
  • Sán hút máu gây vết loét, tổn thương, thủng mang cá. Nếu không điều trị sớm có thể chết cá.

Cách điều trị

  • Cách ly riêng cá bị sán.
  • Trộn thuốc Hadaclean® A vào thức ăn với liều lượng 10g/1.5kg thức ăn. Cho cá Koi ăn liên tục 3-5 ngày.
  • Bổ sung thêm vitamin C để tăng đề kháng cho cá nhanh khỏi, mau lành vết thương.

4. Bệnh xù vảy (Dropsy)

Xù vảy là bệnh thường gặp ở cá Koi do nhiều nguyên nhân gây ra, với triệu chứng vảy cá xù xì, bụng sưng phồng, biến động màu sắc và hoa văn…Dưới đây là nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị xù vảy ở cá Koi.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Cá Koi đột ngột mắc bệnh: do hệ miễn dịch suy giảm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây chảy máu bên trong.
  • Xù vảy diễn ra từ từ: Ký sinh trùng tấn công hoặc cá Koi có khối u đang phát triển.
  • Môi trường nước ô nhiễm, thức ăn thiếu chất dinh dưỡng hoặc chất lượng kém.
  • Koi bị căng thẳng, chức năng thận suy giảm do ký sinh trùng xâm nhập vào trong nội tạng…
Xù vảy dropsy ở cá Koi gây ra triệu chứng bụng sưng, vảy xù, mắt sưng
                Xù vảy dropsy ở cá Koi gây ra triệu chứng bụng sưng, vảy xù, mắt sưng

Triệu chứng bệnh xù vảy

  • Thân cá sưng phồng như quả bóng, vảy xù lên.
  • Mắt sưng, hốc mắt sưng.
  • Hoạt động bơi lội kém, chậm, thậm chí mất khả năng bơi lội nếu bệnh trở nặng.
  • Màu sắc trên da cá bị mờ.
  • Nhút nhát, kém ăn, bơi gần nơi có nhiều oxy như trên mặt nước, thác nước…

Cách điều trị xù vảy 

Cách 1: Tắm muối hột

  • Cách ly cá bị xù vảy.
  • Pha muối hột liều lượng 5-6kg/1m3, tắm cho cá khoảng 5 phút. Mỗi ngày tắm 1-2 lần, liên tục 4 ngày.

Cách 2: Sử dụng thuốc Praziquantel

  • Trộn thuốc Praziquantel với nước, liều lượng 10g/1.5kg thức ăn để tạo thành chất kết dính.
  • Để khô 15-20 phút rồi cho cá Koi ăn. Cho ăn liên tục 3-5 ngày.

5. Bệnh ký sinh trùng bánh xe Trichodina

Trùng bánh xe Trichodina là ký sinh trùng có kích thước siêu nhỏ và chỉ quan sát được qua kính hiển vi. Trichodina có hình dạng tròn với hàng trăm móc nhỏ bám vào cơ thể cá Koi. Trichodina sinh sản rất nhanh, ấu trùng trưởng thành và bám vào cá Koi chỉ trong vòng 1 ngày. Vì thế rất dễ lây cho cả đàn cá.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Trichodina xuất hiện khi nước trong hồ nuôi cá Koi bị nhiễm khuẩn, ô nhiễm.
  • Thả cá quá nhiều so với kích thước hồ cá.
  • Lây từ cá Koi mới mua có mầm bệnh mà không được cách ly.
Các vết xuất huyết do trùng bánh xe Trichodina gây ra
Các vết xuất huyết do trùng bánh xe Trichodina gây ra

Dấu hiệu nhận biết bệnh 

  • Cá Koi bơi lờ đờ riêng lẻ, tách đàn.
  • Nhấp nháy, xếp vây, cạ mình vào thành bể.
  • Bong tróc da do Trichodina di chuyển tròn bám và ăn da.
  • Tiết nhiều chất nhờn dư thừa.
  • Loét da, hỏng mang.
  • Màu sắc da đổi màu, nhạt nhòa hoặc đỏ da do bị kích ứng.

Cách điều trị bệnh

  • Cách ly cá Koi bị bệnh.
  • Pha thuốc tím liều lượng 2g/1m3 đánh thuốc trong 3-5 ngày, tối đa 3 tuần. Sục khí oxy mạnh khi dùng thuốc tím.

Ngoài ra còn 1 số cách điều trị ký sinh trùng Trichodina khác như tắm muối, dùng phèn xanh…Tìm hiểu thêm 4 cách điều trị ký sinh trùng Trichodina.

6. Bệnh thường gặp ở cá Koi – Tuột nhớt

Thông thường, cá Koi tiết ra 1 lớp chất nhầy để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn và vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, vì 1 số lý do mà cá Koi bị tuột nhớt mất đi lớp màng bảo vệ này và dễ nhiễm bệnh khác.

Nguyên nhân cá Koi bị tuột nhớt

  • Thay đổi môi trường sống đột ngột.
  • Nguồn nước trong hồ nuôi chứa nhiều độc tố hoặc rong rêu.
  • Quá trình vận chuyển khiến cá căng thẳng.
  • Mật độ thả cá dày.
  • Chất lượng nước kém, tạo điều kiện cho ký sinh trùng tấn công gây bệnh.
Khi bị tuột nhớt da cá Koi thường khô, hồ nước nổi bọt và có mùi tanh
Khi bị tuột nhớt da cá Koi thường khô, hồ nước nổi bọt và có mùi tanh

Dấu hiệu cá Koi bị tuột nhớt

  • Xuất hiện đường gân đỏ máu trên thân cá.
  • Da cá khô vì mất đi lớp nhầy bảo vệ.
  • Chán ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ.
  • Hồ cá nổi bọt, mùi hôi tanh khó chịu.

Cách điều trị

  • 2 tiếng thay nước 1 lần cho hồ cá, mỗi lần thay 10%. Thay nước cho đến khi nước hết bọt và mùi tanh.
  • Thêm C sủi liều lượng 10 viên/1m3 vào hồ nước đã sạch và hết mùi.
  • Sục khí oxy mạnh.
  • Sau 24 giờ thay 30% nước và lại bổ sung thêm C sủi liều như trên.
  • Nếu hồ quá lớn gây khó khăn cho việc thay nước thì cách ly riêng cá bị tuột nhớt sau đó pha nước muối lượng 25g/1l để tắm cá Koi trong 2-3 phút.
  • Ngâm cá bị bệnh với nước muối liều lượng 4-5g/1l trong tank cách ly. Mỗi ngày thay nước 1 lần. Duy trì 3-5 ngày.

7. Bệnh thường gặp ở cá Koi – Thối đuôi

Thối đuôi là tình trạng phần đuôi của cá Koi bị sứt sẹo, sưng viêm, cơ thịt bị hoại tử và thối rữa, rỉ máu.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Nhiễm trùng vi khuẩn Myxcobacteria hoặc nấm là nguyên nhân chính gây thối đuôi ở cá Koi.
  • Chất lượng nước ô nhiễm do chất thải cá Koi tích tụ, thức ăn thừa không được vệ sinh làm sạch.
  • Bộ lọc nước hoạt động kém.
  • Mật độ nuôi cá quá đông.
  • Động vật sống khác như chó, mèo vờn cá khiến Koi bị tổn thương.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

  • Phần đuôi cá Koi bị sưng viêm, sứt sẹo, bong tróc
  • Cơ thịt phần đuôi thối rữa, chảy máu, rỉ máu, hoại tử nếu tình trạng bệnh nặng.
  • Phần gốc đuôi sung huyết, vây cá xòe rộng.
Cách phòng tránh bệnh thối đuôi ở cá Koi
                   Cách phòng tránh bệnh thối đuôi ở cá Koi

Cách điều trị bệnh

Cách 1: Sử dụng thuốc Xanh Malachite

  • Cách ly cá Koi bị bệnh ra tank nước.
  • Sử dụng thuốc xanh malachite 1% bôi lên phần đuôi, vây bị tổn thương. Mỗi ngày bôi 1 lần, liên tục trong 4-5 ngày.

Cách 2: Sử dụng Oxytetracycline

  • Cách ly riêng cá Koi bị thối đuôi.
  • Ngâm 5-8 viên thuốc Oxytetracycline với 100l nước, cho cá vào ngâm 30 phút để diệt khuẩn và khử trùng. Oxytetracycline vừa có thể điều trị vừa ngăn ngừa bệnh.

8. Bệnh nấm mang

Nấm mang là bệnh thường gặp ở cá Koi do nấm thuộc giống Branchiomyces gây ra. Loại nấm này được tìm thấy trong mảnh vụn hữu cơ trong hồ Koi. Bệnh nấm mang rất nguy hiểm bởi khả năng gây chết cá nhanh, chỉ sau 24-48 giờ và có thể gây chết cá hàng loạt.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Hồ nuôi cá Koi bị nhiễm khuẩn do không được lọc thường xuyên hoặc hệ thống lọc kém chất lượng.
  • Thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước.
  • Thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa xuân và mùa hè khiến sức đề kháng của cá Koi bị suy giảm.

Triệu chứng cá Koi bị nấm mang

  • Mang xuất hiện đốm đỏ, đốm trắng và tiết nhiều dịch nhờn.
  • Hô hấp khó khăn và có xu hướng bơi về dòng nước đầu nguồn hoặc chỗ thác nước, suối nước để hít oxy.
  • Bỏ ăn, bơi lờ đờ.
Bệnh nấm mang ở cá Koi - dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
                       Bệnh nấm mang ở cá Koi do loài nấm thuộc giống Branchiomyces gây ra

Cách điều trị nấm mang

  • Cách ly cá Koi bị nấm mang ra tank nước riêng.
  • Tăng nhiệt độ nước trên 28 độ C.
  • Đánh thuốc liều 1: Sử dụng 6g Cloramin T, 4kg muối hột, 10 viên C sủi, 2 củ tỏi xay nhuyễn. Đánh thuốc vào 1m3 nước.
  • Thay 30% nước rồi đánh thuốc liều 2 giống liều 1.
  • 2 ngày sau liều thứ 2 thì thay 30% nước, đánh tiếp thuốc liều thứ 3.
  • Tiếp theo thay 30% nước định kỳ hàng ngày.

9. Bệnh nấm thủy mi

Bệnh nấm thủy mi Saprolegnia Fungus xuất hiện thành dạng bông gòn màu trắng hoặc xám ở bất kỳ đâu trên cơ thể cá Koi như mang, vay, vảy…

Nguyên nhân gây ra nấm thủy mi

  • Môi trường sống chật hẹp, nồng độ chất hữu cơ trong nước cao.
  • Cá Koi có tổn thương trước đó do va chạm, vận chuyển, chấn thương hoặc ký sinh trùng. Vết thương hở tạo điều kiện cho nấm thủy mi phát triển trực tiếp trên mô cá Koi.
  • Cá Koi bị stress do thay đổi môi trường sống đột ngột…

Triệu chứng bệnh nấm thủy mi

  • Biểu hiện ban đầu khi mới mắc bệnh: xuất hiện vùng trắng hoặc xám với các sợi nấm nhỏ và mềm bám xung quanh.
  • Sau vài ngày mắc bệnh: Các sợi nấm phát triển lớn thành búi trắng như sợi bông gòn, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Cá lờ đờ, xếp vây, tuột nhớt, đỏ mình nếu bệnh trở nặng.
  • Nếu cá Koi mang thai bị mắc bệnh nấm thủy mi thì trứng cá màu đục và cũng có sợi nấm bám vào.

Trên thân cá Koi xuất hiện đốm màu xám có sợi nấm bao quanh

                            Trên thân cá Koi xuất hiện đốm màu xám có sợi nấm bao quanh

Cách điều trị nấm thủy mi

  • Nhẹ nhàng lùa cá bị bệnh ra bể nước cách ly, sục khí oxy.
  • Nhiệt độ nước tăng lên 30-32 độ để diệt nấm.
  • Pha loãng muối hột liều lượng 15-30g/l rồi tắm cho cá khoảng 15-30 phút.
  • Thêm thuốc trị nấm Malachite xanh liều lượng 1.5g thuốc/1l nước. Để 1 giờ rồi thay nước.
  • Sau 2 ngày đánh liều thuốc Malachite lần 1 thì dùng liều thứ 2 như liều 1 rồi thay 30% nước mỗi ngày.

10. Bệnh thường gặp ở cá Koi – Đốm trắng White Spot (Ich)

Đốm trắng White Spot (Ich) ở cá Koi gây ra bởi ký sinh trùng đơn bào có tên là Multifiliis Ichthyophthirius. Chúng có lông mao ăn sâu vào lớp biểu bì của cá Koi, bám chặt vào da, vây, mang cá.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Ký sinh trùng Multifiliis Ichthyophthirius sinh ra khi nguồn nước ô nhiễm, bộ lọc nước kém.
  • Cho cá Koi ăn quá nhiều gây ra dư thừa thức ăn trong nước, tạo thành chất cặn bã ô nhiễm nguồn nước.

Triệu chứng bệnh

  • Vây, da và mang cá xuất hiện nốt hoặc đốm màu trắng có kích thước như hạt cát và lan ra toàn bộ cơ thể.
  • Da cá tiết nhiều chất nhờn.
  • Mô mang bị tổn thương ảnh hưởng đến việc lấy khí oxy để hô hấp của cá.
  • Da xỉn màu, nhút nhát, bơi tách đàn, kém ăn, bỏ ăn.
Cách trị bệnh ký sinh trùng đơn bào đốm trắng White Spot (Ich) ở cá Koi
                  Đốm trắng Ich ở Koi do ký sinh trùng Multifiliis Ichthyophthirius gây ra

Cách điều trị

  • Thay toàn bộ nước mới trong hồ cá.
  • Tăng nhiệt độ lên 30-32 độ C, dùng hệ thống sưởi và lọc nước.
  • Thêm 0.5% muối.
  • Hàng ngày thay 30% nước trong hồ nuôi.
  • Nếu hồ nuôi quá lớn thì vớt riêng cá bị bệnh ra bể cách ly và điều trị bằng 5 viên Megyna ngâm vào bể cách ly. Sau 3 ngày thì thêm nước và thả tiếp 5 viên Megyna. Sau đó thay 25% nước hàng ngày.

Trên thực tế còn rất nhiều bệnh khác ở cá Koi như cá Koi phình bụngcá Koi đỏ mìnhcá Koi đục mắt,…Bài viết trên chúng tôi giới thiệu 10 bệnh thường gặp ở cá Koi nhất cùng cách điều trị dứt điểm và hiệu quả. Mong rằng với những chia sẻ của chúng tôi giúp những chú cá Koi của bạn mau chóng khỏi bệnh và khỏe mạnh hơn.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan